Magical Difference

    Sự Khác Biệt Kỳ Diệu

hotline: 0903.69.41.69

Tin Tức

Vì sao bác sĩ phải quan tâm đến tiền khi ghép tạng cho bệnh nhân?
Thứ bảy, 14:31 Ngày 24/03/2018 .

Chúng tôi tìm hiểu vấn đề tài chính không phải là chỉ ghép cho người có tiền và từ chối những người không có tiền.

Đằng sau câu chuyện hành trình mang tim, thận từ Hà Nội vào TP.HCM cứu sống hai bệnh nhân có nhiều góc khuất. Zing.vn xin gửi đến bạn đọc lời tâm sự của bác sĩ Dư Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phân cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, về câu chuyện "lời nói dối" để được ghép thận từ cô gái Hoài Thương, người vừa được ghép thận từ bệnh nhân chết não.

Thông thường, bất kỳ người bệnh nào cũng đều mong muốn mình sẽ nhận được một phương pháp điều trị tốt nhất, nên người bệnh sẽ bằng mọi cách để có thể được tiếp cận phương pháp điều trị đó. Thương cũng không ngoại lệ, và đây cũng là chuyện tất nhiên sẽ xảy ra.

Cô gái Ninh Thuận được ghép thận cầm cố nhà để có 300 triệu cho cuộc mổ, mọi người hiểu lầm rằng cô đã nói dối bác sĩ để được ghép thận. Ảnh: Phan Nhơn

Nhưng trong phương pháp điều trị ghép tạng, rất nhiều điều cần phải được chuẩn bị tốt, trong đó tài chính là một trong những vấn đề không kém phần quan trọng trong bối cảnh hiện tại, do có những loại thuốc chưa được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả, nên người bệnh phải tự thanh toán. Do đó, khi nhận người bệnh vào danh sách chờ ghép, chúng tôi luôn tìm hiểu vấn đề tài chính của bệnh nhân. Trong đó, chúng tôi muốn bệnh nhân khai rõ các mục tiền để dành và thu nhập hàng tháng của bệnh nhân và gia đình.

Chúng tôi tìm hiểu vấn đề tài chính không phải là chỉ ghép cho người có tiền và từ chối những người không có tiền. Mà với một mục đích là nếu người bệnh không đủ tài chính để tham gia ghép tạng, chúng tôi sẽ cùng với gia đình tìm ra một giải pháp an toàn cho người bệnh.

Sở dĩ chúng tôi quan tâm đến vấn đề tài chính trong ghép tạng vì chúng tôi đã gặp phải một sự cố đau lòng vào năm 2001. Lúc đó chúng tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề y khoa mà thôi. Người bệnh nghèo, được bạn bè cơ quan giúp đỡ để tham gia ghép (thận hiến từ cha ruột), sau khi ghép được 3 tháng, người bệnh đã tự tử chết vì có mâu thuẫn về tiền bạc với cha mình. Mong muốn để dành số tiền còn lại để lo cho hai con đang còn nhỏ dại, nên người bệnh đã hy sinh bản thân mình. Từ câu chuyện đau thương này, chúng tôi mới phải hỏi thêm chi tiết tài chính trong kế hoạch điều trị. Nhưng tai hại là người bệnh lại truyền miệng nhau rằng “nên khai” với bác sĩ nhiều tiền thì bác sĩ mới nhận ghép tạng. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, vì tất cả những nguy hiểm nếu có xảy ra, người bệnh sẽ hoàn toàn gánh chịu.

Điều kiện chọn lựa của chúng tôi hoàn toàn là khoa học và minh bạch, ai là người phù hợp nhất thì người đó sẽ được ưu tiên (trong danh sách chờ của chúng tôi có người có tiền để dành bạc tỷ, nhưng vẫn không được chọn vì lý do không tìm ra người tương thích.)

Khi chúng tôi gặp Thương (năm 2016), em đã nói là có tiền để dành là 300 triệu và thu nhập hàng tháng của ba mẹ là 20 triệu, đây là một điều kiện tài chính có thể đạt mức an toàn tối thiểu cho cuộc mổ ghép thận, (nếu không có biến chứng xảy ra trong và sau cuộc mổ). Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi một người bạn của Thương nói với chúng tôi là Thương không có tiền để ghép.

Chúng tôi gặp mẹ Thương để tìm hiểu lại và biết rằng bà đang chuẩn bị về làm thủ tục thế chấp căn nhà của chồng để lấy tiền đóng cho bệnh viện (đây là một trong những điểm mà Thương đã dựa vào đó để nói với bác sĩ). Bất ngờ và bị động, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn tổ chức cuộc mổ ghép cho Thương và có phương án tài chính giúp bệnh nhân.

Bác sĩ Thu cho rằng việc “nói dối” này là sự biểu lộ lòng khao khát được điều trị của một bệnh nhân đang ở lứa tuổi tràn đầy sức sống, nếu có đủ sức khỏe, thì có thể cống hiến nhiều nhất cho xã hội, không ai nỡ lòng trách cô gái. Ảnh: Lê Hoàng

Theo tôi việc “nói dối” này của Thương là sự biểu lộ lòng khao khát được điều trị của một bệnh nhân đang ở lứa tuổi tràn đầy sức sống, nếu có đủ sức khỏe, thì có thể cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Nhưng cũng cần biết rõ không chỉ ghép xong là đủ mà người bệnh sau đó sẽ phải uống thuốc ức chế miễn dịch suốt đời, đối diện với những tác dụng phụ của thuốc và nhiều nguy cơ khác nữa. Nên chúng tôi còn phải làm kế hoạch và hướng dẫn người bệnh làm sao để có thể thích nghi với cuộc sống sau ghép…

Mặc dù Thương đã làm cho chúng tôi bị động, nhưng chúng tôi cũng không nỡ trách em. Là người trong cuộc, tôi khuyên người bệnh đừng nên “nói láo dễ thương” như thế nữa mà phải nên thổ lộ cùng với bác sĩ điều trị của mình để họ có thể cùng mình cảm thông và chia sẻ. Tình trạng của Thương mong các bạn thông cảm và đừng chê trách sẽ làm đau lòng người bệnh đang vừa mới trải qua cuộc mổ lớn.

Theo https://news.zing.vn

TOP
Chat Messenger Chat Zalo