Thứ năm, 13:19 Ngày 01/10/2020 .
1. Máy điện tim là gì?
Máy điện tim là một thiết bị y tế dùng để đo tín hiệu điện tim là những thay đổi rất nhỏ của dòng điện trong tim. Quả tim co bóp theo nhịp được điều khiển của một hệ thống dẫn truyền trong cơ tim. Với mỗi nhịp đập của tim, tín hiệu điện sẽ lan truyền từ đỉnh đến đáy tim. Những dòng điện tuy rất nhỏ, khoảng 1 phần nghìn volt, nhưng có thể dò thấy được từ các cực điện đặt trên tay, chân và ngực bệnh nhân và chuyển đến máy ghi. Máy ghi điện khuếch đại lên và ghi lại trên điện tâm đồ.
Cơ tim ví như một tế bào, lúc nghỉ: các Ion dương ở ngoài màng tế bào còn các Ion âm bị giữ ở trong màng để cân bằng lực hút tĩnh điện; một tế bào như thế gọi là có cực. Khi cơ tim bị kích thích sẽ xuất hiện sự khử cực trong đó các ion âm khuyếch tán ra ngoài màng, còn các ion dương khuyếch tán vào trong màng. Tiếp theo các hiện tượng khử cực, lại đến sự tái cực cho điện dương xuất hiện trở lại ngoài mặt tế bào, điện âm ở mặt trong như lúc đầu. Hai hiện tượng khử cực và tái cực đều xuất hiện trong thì tâm thu, còn trong kỳ tâm trương, cơ tim ở trong trạng thái có cực như đã nói trên.
Điện tâm đồ được sử dụng trong y học để phát hiện các bệnh về tim như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim v.v..
2. Những thông tin có được có kết quả điện tâm đồ
Nhiều loại bệnh tim thay đổi hoạt động điện học của tim theo những cách khác nhau. Điện tâm đồ có thể giúp phát hiện ra khá nhiều những vấn đề của tim.
Điện tâm đồ giúp bác sĩ chẩn đoán được cơn nhồi máu cơ tim đang xảy ra hoặc đã xảy ra trong quá khứ. Điều này đặc biệt đúng nếu bác sĩ có thể so sánh những điện tâm đồ hiện tại với những điện tâm đồ cũ hơn.
Điện tâm đồ cũng có thể cho thấy:
- Giảm máu đến nuôi cơ tim.
- Tim đập quá nhanh, quá chậm, hoặc không đều (loạn nhịp tim)
- Tim không bơm máu đủ mạnh (suy tim)
- Cơ tim quá dày hoặc một phần của tim quá lớn.
- Dị tật bẩm sinh ở tim
- Những bệnh của van tim
- Viêm bao bao bọc xung quanh tim (viêm màng ngoài tim)
- Cường độ và độ dài của các tín hiệu điện khi chúng đi qua từng phần của tim bệnh nhân
Điện tâm đồ cũng có thể xác định xem nhịp đập của tim có điểm bắt đầu từ phần phía trên bên phải của tim như bình thường hay không. Nó cũng có thể xác định khoảng thời gian tín hiệu điện lan hết tim. Sự chậm trễ trong thời gian di chuyển của tín hiệu điện có thể là dấu hiệu của block tim hoặc hội chứng QT kéo dài.
Vậy, những ai cần phải làm điện tâm đồ
Bác sĩ sẽ đề nghị đo điện tâm đồ nếu bệnh nhân có những dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ của bệnh tim. Một số dấu hiệu và triệu chứng đó có thể là:
- Đau ngực
- Tim đập thình thịch, đập nhanh, hoặc rung tim, hoặc cảm giác tim đập không đều (loạn nhịp tim).
- Khó thở
- Cảm thấy yếu và mệt
- Bác sĩ phát hiện thấy những tiếng tim bất thường khi nghe tim bệnh nhân.
Để có thể chẩn đoán được một số loại bệnh tim nhất định, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân đo điện tâm đồ nhiều lần.Bác sĩ thường sẽ tầm soát bệnh tim cho những bệnh nhân có cha, mẹ, hoặc anh chị em bị bệnh tim, đặc biệt là ở những trường hợp bị bệnh lúc còn trẻ.
Bác sĩ cũng có thể dùng kết quả điện tâm đồ để hỗ trợ lên kế hoạch điều trị bệnh tim cho bệnh nhân.
3. Các phương pháp đo điện tâm đồ
Phương pháp hay sử dụng nhất là điện tâm đồ tiêu chuẩn hay còn được gọi là đo điện tâm đồ 12 chuyển đạo lúc nghỉ, mỗi lần chỉ ghi nhận được những hoạt động của tim trong một vài giây.
Nó chỉ có thể thể hiện những bất thường của tim nếu những bất thường này hiện diện trong khoảng thời gian đang đo.
Nhiều bệnh tim hiện diện liên tục, khi đó điện tâm đồ lúc nghỉ có thể sẽ phát hiện được chúng. Nhưng một số bệnh tim, chẳng hạn như những bệnh liên quan đến nhịp tim bất thường, có thể đến rồi đi. Chúng có thể chỉ xảy ra trong một vài phút trong ngày hoặc chỉ khi bệnh nhân gắng sức.
Các cách đo điện tâm đồ đặc biệt, chẳng hạn như đo điện tâm đồ gắng sức và Holter và theo dõi sự kiện, được sử dụng để chẩn đoán những loại bệnh như vậy.
a. Nghiệm pháp gắng sức
Một số bệnh của tim trở nên dễ chẩn đoán hơn khi tim đang hoạt động nặng và đập nhanh. Khi thực hiện nghiệm pháp này, bạn sẽ vận động để cho làm việc nặng hơn và đập nhanh hơn trong khi đó các hoạt động điện học của tim sẽ được ghi nhận lại. Nếu bạn không thể vận động được, bạn sẽ được cho thuốc để làm tim hoạt động mạnh hơn và đập nhanh hơn.
b. Điện tâm đồ Holter và theo dõi sự kiện
Máy đo điện tâm đồ Holter và theo dõi sự kiện là những thiết bị nhỏ, có thể mang đi được. Chúng ghi nhận hoạt động điện học của tim bệnh nhân khi đang sinh hoạt bình thường hằng ngày. Máy đo điện tâm đồ Holter ghi nhận hoạt động điện học của tim trong vòng 24 giờ hoặc lâu hơn.
Máy đo điện tâm đồ theo dõi sự kiện chỉ ghi nhận hoạt động điện học của tim ở những thời điểm nhất định khi bạn mang nó. Ở nhiều loại máy đo điện tâm đồ theo dõi sự kiện, bạn chỉ cần nhấn nút khởi động máy khi cảm thấy có triệu chứng xuất hiện. Những loại máy đo khác có thể khởi động một cách tự động mỗi khi chúng cảm thấy nhịp tim đập bất thường.
4. Hệ thống các chuyển đạo
Cơ thể con người là một môi trường dẫn điện , vì thế dòng điện do tim phát ra được dẫn truyền đi khắp cơ thể tới da, biến cơ thể thành điện trường của tim. Nếu ta đặt hai điện cực lên hai điểm nào đó ta thu được điện thế của hai điểm đó, gọi là một chuyển đạo (Lead).
Hiện nay, đa số dùng 12 chuyển đạo để nghiên cứu điện tim, nó gồm 3 chuyển đạo chuẩn, 3 chuyển đạo đơn cực các chi và 6 chuyển đạo trước tim. Ở mỗi chuyển đạo sẽ có một dạng sóng điện tim đồ khác nhau
a. Chuyển đạo chuẩn
- Chuyển đạo I : Điện cực âm ở tay phải, điện cực dương ở tay trái
- Chuyển đạo II : Điện cực âm ở tay phải, điện cực dương ở chân trái
- Chuyển đạo III: Điện cực âm ở tay trái, điện cực dương ở chân trái
b. Chuyển đạo đơn cực các chi
Khi điện cực được đặt ở chi thì ta gọi đó là chuyển đạo đơn cực chi, điện cực thường được đặt ở 3 vị trí sau:
- - Cổ tay phải: Ta được chuyển đạo AVR thu được điện thế ở mé bên phải và đáy tim. Trục chuyển đạo là đường thằng nối tâm điểm ra vai phải.
- - Cổ tay trái: Ta được chuyển đạo AVL, nó nghiên cứu điện thế về phía thất trái
- - Cổ chân trái: Ta được chuyển đạo AVF, đay là chuyển đạo duy nhất nhìn thấy được ở thành sau dưới đáy tim.
c. Chuyển đạo trước tim
Chuyển đạo này bao gồm 1 điên cực trung tính đặt tại cực trung tâm và điện cực thăm dò tại 6 vị trí trên ngực tạo nên 6 chuyển đạo trước tim từ V1-V6.
V1: Khoang liên sườn 4 bên phải, sát bờ xương ức
V2: Khoang liên sườn 4 bên trái, sát bờ xương ức
V3: Điểm giữa đường thẳng nối V2 với V4
V4: Giao điểm của đường dọc đi qua điểm giữa xương đòn trái và đường ngang đi qua mỏm tim (hay nếu không xác định được vị trí mỏm tim thì lấy khoang liên sườn 5 trái)
Nguồn https://ansinhmed.com/