GiadinhNet - Chiều 9/2, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo dẫn đầu, đã thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát tại TP.HCM.
Trước khi làm việc cùng Ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, lưu dung, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Thứ trưởng đã thăm hỏi, động viên (qua điện thoại) bệnh nhân dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới về công tác thu dung, cách ly điều trị người bệnh nghi nhiễm nCoV (09/02/2020). Ảnh do Sở Y tế TP.HCM cung cấp
Theo BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, đây là bệnh nhân duy nhất đang được cách ly, điều trị do dương tính với nCoV và đang trong quá trình hồi phục tốt. BS. Châu cũng thông tin đến đoàn công tác về hệ thống xét nghiệm tại BV (do tổ chức phi chính phủ hỗ trợ) đã vận hành và cho kết quả âm tính hay dương tính với nCoV chính xác.
Về vấn đề này, TS.BS. Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế sớm thẩm định để BV Bệnh nhiệt đới "danh chính ngôn thuận" thực hiện xét nghiệm nCoV. Được biết, nếu được cho phép, BV này có thể đảm đương hoạt động xét nghiệm nCoV cho toàn bộ mạng lưới y tế trên địa bàn TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói chuyện và hỏi thăm người bệnh đang cách ly điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới, người bệnh vui vẻ giơ tay chào Thứ trưởng và các bác sĩ. Ảnh do Sở Y tế TPHCM cung cấp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã ghi nhận đề xuất trên và đề nghị các bên liên quan (Bệnh viện, Sở Y tế, các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Y tế) nhanh chóng tiến hành các thủ tục theo quy định, giúp khu vực phía Nam có thêm một địa chỉ thực hiện xét nghiệm nCoV ngoài Viện Pasteur TP.HCM.
Cũng liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân khẳng định số lượng mẫu xét nghiệm nCoV càng nhiều thì thời gian thực hiện càng nhanh và ngược lại. Lý do, mẫu nhiều thì thực hiện tự động, còn mẫu ít thì thực hiện thủ công nên không nhanh bằng. Tuy nhiên, chậm nhất cũng không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận mẫu là có kết quả.
Tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau khi nghe BS. Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc HCDC, báo cáo các mặt hoạt động dự phòng liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Thứ trưởng đã lưu ý một số vấn đề. Đối với việc thành lập đội ứng phó khẩn cấp tại 24 quận, huyện, Thứ trưởng đề nghị thành lập 2 đội tại mỗi quận, huyện, bởi TP.HCM đông dân nhất cả nước nên rủi ro lây lan cũng lớn hơn.
Một vấn đề khác là Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hiện phải tập trung vào dịch bệnh nCoV, song không được lơ là với một số dịch bệnh truyền nhiễm khác lưu hành theo “mùa vụ” định kỳ, thường niên. Ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, với sự hiện diện của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm- Phó trưởng Ban Chỉ đạo (thường trực) và tất cả các thành viên, đã tiếp và làm việc cùng đoàn công tác, cũng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Theo ông Liêm, ngay từ khi phát hiện 2 ca dương tính nCoV đầu tiên (hai cha con họ Li người Trung Quốc), lãnh đạo Thành ủy - Ủy ban đã chỉ đạo xuyên suốt, rốt ráo đến ngày 9/2, để người dân, nhân viên y tế trên địa bàn an toàn trước dịch bệnh. Trong ngày 10/2, địa phương này sẽ đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến 300 giường ở Củ Chi, giúp hoạt động cách ly bệnh nhân nghi nhiễm hiệu quả hơn.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn- đã đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch bệnh nCoV hiệu quả tại TP.HCM. Đây là đô thị đông dân, tức rủi ro lây lan lớn, lại đủ cả 3 đường xâm nhập (đường không, đường bộ, đường thủy), nhưng sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị và mạng lưới y tế ở TP.HCM đã “kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề với Ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Theo đó, TP.HCM dù thực hiện phòng chống dịch bệnh nCoV tốt, nhưng đây là dịch bệnh hoàn toàn mới, do đó rất khó lường trước mọi vấn đề. Vậy nên, TP.HCM cần bám sát chỉ đạo từ Trung ương nhưng cũng nên mềm mỏng linh hoạt. Có như thế, khi xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh mới phù hợp thực tế địa phương và đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ trưởng cũng đề nghị TP.HCM, vốn là trung tâm khoa học, y tế của phía Nam, cần tăng cường hỗ trợ, tập huấn, đào tạo các địa phương khác nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm nCoV, năng lực phòng chống dịch bệnh này.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn đề nghị TP.HCM, vốn là đầu tàu kinh tế- tài chính của cả nước, dù “chống dịch như chống giặc”, song cũng chớ lơ là với nhiệm vụ kinh tế. “Dịch bệnh khiến hoạt động du lịch bị trì hoãn, số thu từ lĩnh vực này sụt giảm là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, với sự năng động, linh hoạt vốn có, TP.HCM sẽ sớm tìm ra phương thức, lĩnh vực kinh tế khác khả dĩ có thể tăng cường, bổ sung…” - Thứ trưởng gợi ý.
Theo http://giadinh.net.vn/