"Có bệnh vái tứ phương", người mắc bệnh nan y như ung thư lại càng hay tìm tòi các phương pháp điều trị khác nhau để mong kéo dài cuộc sống dù chỉ nghe quảng cáo qua đồn thổi từ thực dưỡng, kiêng đạm cho đến kiềm hóa cơ thể...
Thời gian vừa qua, nhiều trang mạng quảng cáo và lan truyền về công dụng kỳ diệu của nước ion kiềm giúp chống bệnh ung thư. Các loại sản phẩm này bắt nguồn từ lý thuyết "kiềm hóa cơ thể để chữa ung thư" với nội dung: Tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư", và cho rằng nếu không ăn thịt cá, đường bột, tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.
Nội dung này được trích từ cuốn sách "The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health" của tác giả Robert Young, xuất bản năm 2002. Tuy nhiên, tác giả này đã bị phạt hơn 2.400 tỷ đồng bồi thường vì phương pháp điều trị của mình gây ra hậu quả nghiêm trọng cho 1 bệnh nhân ung thư vú trong năm 2018.
Đến khi lý thuyết này bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam, sử dụng hình ảnh của nhiều gương mặt như triết gia George Ohsawa hoặc tiến sỹ Otto Warburg, nó khiến cả vạn người tin một cách mù quáng mà không nghĩ tới sự xác thực trong thông tin và mức độ chính xác về mặt khoa học.
Thông tin tràn lan trên mạng mà không cần biết được kiểm chứng hay chưa.
Lý thuyết "kiềm hóa ung thư" từ đâu hình thành?
Bắt nguồn từ giả thiết Tro thực phẩm, thực phẩm được phân chia thành thực phẩm kiềm với thực phẩm axit vào khoảng giữa thế kỷ 19, khi mà các nhà nghiên cứu cho thấy nước tiểu của thỏ có tính axit hơn khi được cho ăn đa số là thịt, và ngược lại, có tính kiềm hơn khi được cho ăn đa số là thực vật. Theo giả thiết này:
Nhóm Axit bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, sữa, trứng, ngũ cốc và rượu.
Nhóm Trung tính bao gồm chất béo tự nhiên, tinh bột và đường.
Nhóm Kiềm bao gồm Trái cây, các loại hạt, các loại đậu và rau
Giả thiết này cho ra 2 kết luận cơ bản là:
1/ Ăn thực phẩm có tính nào thì sẽ làm tăng tính đó trong máu.
2/ Máu càng axit thì càng dễ bệnh, máu càng kiềm thì càng khó bệnh.
Từ đó, những người theo giả thiết này bắt đầu cho rằng ung thư có nguồn gốc là do cơ thể mang môi trường axit, tế bào ung thư phát triển mạnh trong môi trường này và sẽ chết trong môi trường kiềm.
Các nhóm này trích dẫn lời của Nhà sinh học nổi tiếng người Đức - Otto Heinrich Warburg từng đoạt giải Nobel năm 1931: "Mô ung thư có tính axit, trong khi các mô khỏe mạnh có tính kiềm". Từ đó, họ kết luận rằng ăn uống nhiều thực phẩm kiềm là một phương pháp dinh dưỡng quan trọng để trị ung thư.
Lý thuyết này có xác thực không?
Một số nhà khoa học cho rằng nồng độ axit của mô ung thư không phải nguyên nhân mà là một hệ quả của nó. Nguồn gốc ung thư được gán cho các đột biến di truyền chứ không đơn giản chỉ là mất cân bằng axit-kiềm.
Thứ nhất, thức ăn có thể thay đổi pH máu tức thời, nhưng không thể thay đổi pH máu dài hạn.
Độ pH máu luôn được giữ ổn định trong khoảng 7.36 – 7.44. Khi pH máu vượt qua khoảng này, lập tức cơ thể sẽ chủ động cân bằng lại chủ yếu qua thận. Khi máu dư axit hay kiềm, thận sẽ chủ động thải axit hay kiềm dư vào nước tiểu, hoặc ngược lại, hấp thu thêm kiềm hay axit vào máu để trung hòa lượng dư.
Thứ hai, tế bào ung thư không sống được trong môi trường kiềm, và tế bào thường cũng vậy.
PGS.TS Trần Thượng Quảng, Phó Trưởng bộ môn Hóa hữu cơ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Mặc dù có rất ít nghiên cứu về sự ảnh hưởng của kiềm đối với cơ thể con người, tuy nhiên, mức độ kiềm cao trong nước được cho là có khả năng gây hại cho sức khỏe.
Trong trường hợp bạn bị các chứng bệnh liên quan đến khả năng giữ cân bằng pH hay khiến pH máu vượt ngưỡng ổn định, bạn sẽ bị tình trạng nhiễm axit/kiềm, và đây là tình trạng cấp tính, cần xử lí gấp nếu không có thể dẫn tới tử vong. Trong trường hợp nhiễm kiềm, chỉ cần pH máu lên 7.55, bạn có 45% nguy cơ tử vong, và nguy cơ này lên đến 80% nếu pH máu lên trên 7.65, với các triệu chứng cấp tính như nôn mửa, khó thở, mất ý thức… và có thể để lại di chứng rất nặng nề cho hệ thần kinh.
Cơ thể yêu cầu mức độ pH ổn định.
Ngoài ra, cần phải biết là tế bào ung thư vẫn sống được ở pH máu bình thường, tức môi trường hơi kiềm. Bằng chứng là bệnh nhân ung thư máu không thể tự khỏi, mặc dù pH máu của họ vẫn giữ ổn định trong khoảng an toàn. Tế bào ung thư nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm cũng vẫn sống trong môi trường nuôi cấy cơ bản với pH 7.4.
Nhiều nghiên cứu về tế bào ung thư cũng cho thấy môi trường axit quanh tế bào ung thư có vẻ là kết quả hơn là nguồn gốc của quá trình sinh ung thư. Cho nên kiềm hóa cơ thể không thể là phương pháp đặc trị ung thư hiệu quả.
Bệnh nhân ung thư có nên kiêng thịt, đường, sữa?
Có một thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư từ chối uống sữa (dù thể trạng yếu mệt do điều trị không ăn uống được), từ chối ăn đạm vì sợ ăn vào sẽ "nuôi" tế bào ung thư.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, quan điểm kiêng thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển không có cơ sở khoa học. Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng. Ngoài ra cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Không ít bệnh nhân ung thư "chết đói" trước khi chết vì bệnh.
Bệnh nhân điều trị ung thư được khuyến khích ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm cả đạm và chất béo.
Có thể thấy, điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Vì thế người bệnh không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.
Theo http://genk.vn