Chiến trường trở thành một phòng thí nghiệm khổng lồ, nơi những nhà khoa học xuất sắc nhất đến để thử nghiệm những kỹ thuật mới nhất.
Tháng 8 năm 1914, rõ ràng là nước Pháp chưa chuẩn bị kỹ cho Thế chiến, một cuộc chiến tranh được dự báo là khốc liệt và đẫm máu chưa từng có trong lịch sử. Chỉ tính riêng trong ngày 22, hơn 27.000 binh sĩ đã thiệt mạng, biến nó trở thành ngày thảm khốc nhất trong lịch sử quân đội Pháp.
Sau chiến dịch đầu tiên kéo dài vỏn vẹn 11 ngày, thất bại trước quân Đức khiến Pháp phải rút lui dọc toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hơn 75.000 lính tử trận cùng một lượng khổng lồ 200.000 thương binh phải sơ tán khỏi tiền tuyến.
Họ được chở ra ga xe lửa bằng những cỗ xe ngựa. Một số thương binh thậm chí phải nằm như hàng thồ hai bên hông những con la. Khi lên được tàu, những người bị thương được dồn cả vào khoang chở gia súc.
Lính Pháp bị thương nằm la liệt trên cỏ khô, không được băng bó, không có thức ăn và nước uống cho đến khi đoàn tàu chở họ dừng lại ở thành phố gần nhất.
"Một trong những chuyến xe lửa đã ném khoảng 500 người bị thương nặng xuống đường ray, phơi họ nằm dưới trời mưa mà không có gì che chắn", Harvey Cushing, người đứng đầu đơn vị tình nguyện Harvard tại Bệnh viện American Ambulance ở Paris khi đó kể lại.
Vậy là, người Pháp đã chuẩn bị tất cả những công nghệ vũ khí cho chiến tranh: súng máy, đạn dược, pháo hạng nặng... Nhưng họ lại quên không chuẩn bị một hệ thống y tế hậu cần cho những tổn thất khủng khiếp theo sau đó. Như Wynand Korterink, cố vấn y tế tại trụ sở NATO nói:
"Những người bắt đầu chiến tranh thế giới thứ nhất, họ không hề nghĩ đến y tế".
Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc chiến tranh quy mô lớn và khốc liệt bậc nhất lịch sử, chỉ đứng sau Thế chiến thứ hai. Trong hơn 4 năm đẫm máu, gần 10 triệu binh lính đã thiệt mạng, 8 triệu người khác mất tích và hơn 21 triệu người bị thương.
Nó đặt ra cho y tế những tình huống cấp cứu phức tạp, trên quy mô chưa từng có trong lịch sử: Làm sao để sơ tán binh sĩ một cách nhanh nhất từ tiền tuyến về bệnh viện? Làm sao để vết thương của họ không bị hoại tử do nhiễm trùng? Làm sao để đưa một bệnh nhân vào trạng thái hôn mê, giúp giảm đau và truyền máu cho họ trong khi phẫu thuật?
Những câu hỏi đã được giải đáp hoàn toàn ngày hôm nay, nhưng trong hoàn cảnh của Thế chiến thứ nhất, các bác sĩ còn chưa có ô tô cứu thương, con người chưa tìm ra kháng sinh, thuốc gây mê và chỉ biết truyền máu bằng cách nối mạch máu trực tiếp từ người này sang tay người khác…
Trên thực tế, có rất nhiều tiến bộ y tế đã được nghiên cứu và hoàn thiện để phục vụ thế chiến. Một mặt nào đó, có thể nói chiến tranh xảy ra đem đến cơ hội lớn để thử nghiệm những kỹ thuật và phương pháp điều trị y tế mới.
"Bạn có thể nói chiến trường là một phòng thí nghiệm khổng lồ cho y tế, nơi những nhà khoa học giỏi nhất tìm đến để thử nghiệm những kỹ thuật mới nhất", tiến sĩ Leo van Bergen, nhà nghiên cứu lịch sử y tế đến từ Đại học Vrije, Hà Lan cho biết.
"Marie Curie, cùng con gái của bà Irène, đã đến tận tiền tuyến để lắp ráp những cỗ máy chụp X-quang ở đó". Bác sĩ phẫu thuật người Pháp Alexis Carrel, đoạt giải Nobel Y học năm 1912 khi đang ở Mỹ, cũng trở về quê hương để phục vụ quân y.
Chỉ tính riêng trên tiền tuyến nước Pháp, họ đã may mắn có sự phục vụ của một loạt các tên tuổi lớn như Théodore Tuffier, George Crile, Harvey Cushing, Henry Dakin…
"Khi được nhìn nhận lại dưới con mắt của nhiều bác sĩ, chiến tranh không chỉ là kẻ thù, mặc dù nó chết chóc, khiến nhiều người bị thương và rơi vào bệnh tật. Chiến tranh còn là trường học, là giáo viên. Chiến tranh là bác sĩ của những bác sĩ", tiến sĩ Bergen nói.
"Chiến tranh thực sự bằng cách nào đó, đã có thể tìm ra cách cứu sống mọi người, nhưng làm được điều đó thì cũng phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng".
Pháp liên tục đại bại trước quân Đức trong chiến dịch biên giới, cho đến khi họ rút được về sông Marne. Từ ngày 5-12 tháng 9 năm 1914, lần đầu tiên liên quân Pháp-Anh cầm cự lại được quân Đức để bảo vệ Paris.
Mặc dù vậy, những điều kiện cứu thương tồi tệ vẫn bao vây trận Marne. Tại một ngôi làng gần Meaux, khoảng 1.000 binh lính Pháp bị thương đang phải nằm chờ trong cỏ khô. Đối với những người lính này, thời gian là thứ quyết định lớn đến tính mạng của họ.
Thống kê cho thấy 4/5 số binh sĩ tử vong trong 1 tiếng đồng hồ sau khi bị thương. Nó được biết đến như "giờ vàng" cho cấp cứu và truyền máu. Và cũng từ đây mà điểm yếu của những cỗ xe cứu thương ngựa kéo phổ biến thời đó lộ rõ.
Mặc dù chúng có thể vượt qua được địa hình phức tạp, những con ngựa di chuyển rất chậm và chắc chắn bị mệt mỏi khi phải đưa đón một lượng thương binh quá lớn.
Vì vậy, để giải cứu những thương binh ở Marne, đại sứ Mỹ tại Pháp Myron T. Herrick đã gọi cho tất cả những người bạn có ô tô. Ông yêu cầu sự cứu trợ từ họ, đặc biệt là những ai đang ở gần American Hospital, một trường học nhỏ được tân trang lại thành bệnh viện quân sự phục vụ Thế chiến.
Và thế là một đội xe cứu thương ngẫu hứng ra đời, thay thế cho những cỗ xe ngựa kéo. Những người bạn của Herrick mang về 34 binh lính bị thương trong lượt chạy đầu tiên, và tăng dần trong từng đợt tiếp theo. Nó đã tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết, giữa việc bị cắt cụt và được chữa lành.
Chiến dịch giải cứu những người lính ở Meaux tỏ ra hiệu quả khiến American Ambulance thành lập hẳn một đội xe cứu thương lên đến hơn 100 chiếc vào cuối năm đầu tiên của cuộc chiến. Sự thay thế tiếp tục tỏ ra hiệu quả khiến các hãng xe thi nhau thiết kế ra những mẫu xe cứu thương để gửi đến chiến trường.
Ban đầu là Ford Motor, họ cải tạo khung của chiếc Model-T để có được một thùng xe phía sau chở thương binh. Những chiếc cứu thương Model-T rất nhẹ, hoàn toàn có thể đi vào các địa hình chiến trường phức tạp mà trước đây, người ta tin chỉ ngựa mới tới được. Nếu chiếc xe chẳng may bị mắc kẹt, một nhóm binh lính hỗ trợ hoàn toàn có thể nhấc nó lên.
Cùng với Ford, nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu thiết kế những mẫu xe cứu thương, bao gồm Rolls-Royce, Fiat, Crossley, Lanchester…
Mặc dù chiếc xe ô tô cứu thương đầu tiên đã ra đời từ cuối thể kỷ 19, phải cho tới thế chiến thứ nhất chúng mới thực sự chứng minh sự hiệu quả và phát triển bùng nổ. Chỉ tính riêng hãng Ford, đến tháng 11 năm 1918, họ đã gửi tổng cộng 4.362 chiếc Model-T phiên bản cứu thương đến chiến trường.
Theo http://genk.vn