Tác giả Rebecca Skloot đã mất 10 năm ròng rã thu thập dữ liệu và phỏng vấn hàng trăm người để có thể tái hiện câu chuyện của một tế bào nổi tiếng nhất thế giới HeLa. Tế bào được lấy từ cơ thể của Henrietta Lacks, bệnh nhân da màu mắc bệnh ung thư cổ tử cung vào những năm 1950 tại Mỹ.
Một cuốn sách phi hư cấu về khoa học, không chỉ đem lại những kiến thức về khoa học mà còn tái hiện một cách chân thực, quyết liệt về văn hóa, đời sống của những người da màu, trong khoảng thời gian lịch sử phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại phổ biến tại Mỹ.
Bản chuyển ngữ tiếng Việt cuốn Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks được xuất bản tại Việt Nam năm 2018.
Henrietta Lacks là người phụ nữ da đen được sinh ra năm 1920 tại Roanoke, Virginia. Sau khi mẹ chết, cô được gửi đến sống cùng với ông ngoại tại Nhà Chung, Clover, Virginia.
Cô sống cùng chồng và bốn người con tại Turner Station khi bắt đầu có những dấu hiệu của căn bệnh ung thư.
Ngày 29/1/1951, Henrietta Lacks đến khám tại bệnh viện John Hopkins khi có những dấu hiệu bất thường như khối u trong bụng, máu chảy vùng âm đạo… Cô lo sợ mình mắc căn bệnh nguy hiểm, cô sợ chết khi những đứa con của cô còn quá nhỏ.
Sau những xét nghiệm quan trọng, bệnh viện John Hopkins đã chẩn đoán Henrietta mắc bệnh “Ung thư biểu mô cổ tử cung, giai đoạn 1”.
Vào ngày Henrietta đến bệnh viện điều trị, bác sĩ phẫu thuật Lawrence Wharton Jr. đã “cầm một con dao sắc và cắt hai mẩu mô to bằng đồng 10 xu từ cổ tử cung của Henrietta: một mẩu từ khối u, và một mẩu từ phần mô cổ tử cung bình thường gần đó”. Sau đó tiến hành điều trị ung thư cho Henrietta bằng radium.
Henrietta tưởng rằng điều trị đã tiêu diệt căn bệnh và cô trở lại đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng không lâu sau cô cảm giác như cơ thể mình bị đốt cháy từ bên trong, “nước tiểu của cô như những mảnh vỡ thủy tinh”.
Cô cảm thấy kiệt sức. Ngoài việc muốn nằm yên một chỗ và ngủ, cô cảm thấy không thể làm bất kỳ việc gì khác.
Thật kỳ lạ, trong khi bệnh nhân Henrietta đang dần đi đến cái chết, thì các tế bào được cắt ra từ cơ thể cô lại đang sống sót và sinh trưởng một cách tuyệt vời bởi công nghệ nuôi cấy của các nhà khoa học.
Những tế bào bất tử của Henrietta dưới kính hiển vi.
Vào ngày 10/5/1951, George Gey xuất hiện trên đài WAAM ở Baltimore trong một chương trình đặc biệt về những công trình nghiên cứu của ông, để công bố về việc nuôi cấy thành công một loại tế bào cho phép “chúng ta sẽ có thể tìm ra cách phá hủy các tế bào ung thư hoặc tiêu diệt chúng một cách triệt để”.
Đây chính là bước ngoặt quan trọng của nền y học thế giới. Tế bào HeLa là thứ vô cùng quý giá bởi vì chúng cho phép các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm mà họ không thể thực hiện trên cơ thể con người.
Henrietta qua đời lúc 12 giờ 15 phút sáng ngày 4/10/1951 để lại tế bào bất tử HeLa, nhưng không có bất kỳ một động thái nào ghi nhận sự đóng góp vô cùng quan trọng cô đã đem lại cho nền y học thế giới.
Nhờ có việc nuôi cây tế bào, thế giới đã “bước qua ngưỡng cửa của thời đại mới đầy hy vọng, nơi mà ung thư, các chứng bệnh tâm thần và thậm chí là hầu hết căn bệnh đang được coi là vô phương cứu chữa sẽ không còn hành hạ loài người nữa”.
Quá trình tìm hiểu về cuộc đời của Henrietta đã khiến tác giả Rebecca Skloot có điều kiện thâm nhập vào lịch sử đời sống gia đình dòng họ Lacks.
Khi Henrietta chết, cuộc sống của gia đình cô có quá nhiều xáo trộn. Những đứa con của Henrietta bắt đầu cuộc sống bị hành hạ bởi những người lớn khác, với những trận đòn roi, đói nghèo, làm việc cật lực, và bệnh tật.
Deborah là đứa con gái còn sống sót duy nhất của Henrietta. Từ nhỏ cô đã bị đánh đập và lợi dụng bởi Galen, người đàn ông họ hàng của gia đình cô. Cô phản kháng lại bằng đủ mọi cách. Trong khi những người anh trai của cô lớn lên người thì phải đi tù, người lại đi làm thuê đủ ngành nghề để kiếm sống.
Dù đã trưởng thành và lập gia đình, họ vẫn sống trong cảnh nghèo túng, không nhận được trợ cấp xã hội, không có bảo hiểm khi đi bệnh viện.
Không ai trong gia đình Lacks biết rằng một phần của mẹ họ vẫn còn sống, và nó đã đem đến nguồn lợi hàng tỷ USD lợi nhuận cho nhiều người nghiên cứu.
Những sự kiện chân thực nhất, được truyền tải bằng một ngôn ngữ văn chương trung thực, nồng nhiệt của cô gái trẻ nhiều đam mê dấn thân, đã khiến bức tranh sâu kín về gia đình Lacks được hiện lên vô cùng cảm động và sâu sắc.
Đồng thời việc tìm hiểu về đời sống của gia đình Lacks cũng cho độc giả một cái nhìn sáng rõ về lịch sử phân biệt chủng tộc sâu đậm của Mỹ những năm 1950. Khi người da đen luôn bị hắt hủi, lợi dụng, bạc đãi, ngay cả trong y học.
Chân dung Henrietta Lacks được trưng bày trong Viện chân dung Quốc gia Mỹ.
Ví dụ như Rebecca Skloot có dẫn ra tài liệu cho rằng vào năm 1969, một nhà nghiên cứu ở bệnh viện Hopkins đã sử dụng các mẫu máu của hơn 7.000 trẻ em da đen nghèo để tìm hiểu về xu hướng di truyền các hành vi tội phạm.
Nhà nghiên cứu ấy đã không xin phép bệnh nhân. Rebecca Skloot viết rằng, câu chuyện về Henrietta Lacks chính là câu chuyện dối trá nhất mà những nhà nghiên cứu da trắng đã làm đối với cộng đồng người da đen.
Gia đình Lacks khi biết sự thật về tế bào bất tử được nuôi cấy từ tế bào của Henrietta, họ đã từng tức giận, đã muốn đòi quyền lợi tài chính mà họ tin rằng mình xứng đáng được nhận.
Nhưng trong gia đình Henrietta Lacks, có một người phụ nữ mà Rebecca Skloot, gọi là linh hồn của cuốn sách cô đang viết. Đó chính là Deborah, con gái của Henrietta Lacks. Cô đã hơn 50 tuổi và đang mắc những chứng bệnh nguy hiểm đến sự sống.
Nhưng suốt cuộc đời mình, cô luôn bị ám ảnh bởi mẹ và người chị gái mắc bệnh động kinh của mình. Điều khao khát duy nhất của Deborah là tìm ra sự thật về mẹ và những tế bào bất tử của bà, cũng như câu chuyện về cái chết của người chị gái.
Deborah đã nhiều lần thử thách tác giả Rebecca Skloot khi cô trình bày về ý tưởng viết cuốn sách về Henrietta Lacks. Nhưng, bằng sự chân thành và nỗ lực của mình, tác giả đã thuyết phục được Deborah, và họ đã trải qua hàng năm trời trò chuyện bên nhau, cùng nhau đi tìm những tài liệu quan trọng, lắng nghe và bày tỏ. Họ từ hai người xa lạ, nhờ có Henrietta Lacks đã có một kết nối bền chặt và thân thiết.
Với sự thúc đẩy, giúp đỡ, tin tưởng cùng những áp lực mà Deborah tạo nên đã khiến Rebecca Skloot nỗ lực hết sức mình trong quá trình tìm hiểu về người bất tử Henrietta Lacks. Những kiến thức y học, những vụ kiện tụng, những câu chuyện riêng tư đã được Rebecca khai thác sâu sắc, kết nối quá khứ hiện tại một cách tài tình, và cảm động.
Tác giả Rebecca Skloot đã dành 10 năm ròng rã để tìm hiểu về cuộc đời Henrietta Lacks.
Lần đầu tiên những sự kiện tưởng niệm ghi nhận công lao của Henrietta Lacks, những buổi thảo luận về vai trò của tế bào Henrietta Lacks, đã được tổ chức công khai. Việc Henrietta Lacks là người da đen từng được né tránh, nay đã được ghi nhận công khai. Nỗ lực của Rebecca Skloot rất đáng ghi nhận. Cô đã khiến cả thế giới biết đến Henrietta Lacks với tư cách là một con người sống động, có tâm tư chứ không đơn thuần là một tế bào mang tên HeLa đã được giới khoa học gọi tên.
Cuốn sách Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks cũng cung cấp cho độc giả những sự kiện chính xác theo dòng thời gian ở phần phụ lục để độc giả có thể tiện theo dõi, và đối chiếu. Đồng thời, hàng trăm tài liệu quan trọng được Rebecca Skloot tìm kiếm và sử dụng trong quá trình viết cuốn sách cũng là nguồn tài liệu quý giúp độc giả có được sự tham khảo đầy đủ và đa chiều hơn về cuộc đời Henrietta Lacks.
Rebecca Skloot sinh ngày 19/9/1972, là một cây bút tự do chuyên mảng khoa học - y học. Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks là cuốn sách đầu tay của cô, được xuất bản năm 2009 và ngay lập tức đã gây được tiếng vang lớn cùng nhiều giải thưởng ấn tượng như Top Bestseller của New York Times trong hơn 7 năm kể từ khi xuất bản, Top 100 cuốn sách nên đọc trong đời của Amazon.com, Cuốn sách của năm (của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ)…
Cô chính là người sáng lập và chủ tịch của Quỹ Henrietta Lacks. Hiện cô sống tại Bang California, nước Mỹ.
Theo https://news.zing.vn