Suckhoedoisong.vn - Tại Hội nghị Sáng kiến Y khoa tổ chức cuối tháng 10/2017, Quỹ Cleveland Clinic Foundation (CCF) Mỹ đã công bố 10 phát minh y học hứa hẹn 2018.
CCF hy vọng những phát minh này sẽ làm thay đổi ngành y trong tương lai gần và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người.
Hệ thống cấp insulin chu trình lai khép kín (HCIDS) được ví như tuyến tụy nhân tạo đầu tiên trên của nhân loại. Nó có thể cấp insulin theo chu trình lai khép kín cho người mắc bệnh đái tháo đường týp 1. HCIDS đã được Cơ Quan quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cuối năm 2016. Công nghệ mới này cho phép “liên lạc” trực tiếp giữa thiết bị theo dõi glucose liên tục và bơm insulin để ổn định đường huyết. Nó có thay cho mô hình “chu trình mở” đòi hỏi bệnh nhân phải sử dụng thông tin từ màn hình glucose liên tục mới xác định được lượng insulin cần tiêm. Dự kiến, công nghệ này sẽ được đưa vào ứng dụng năm 2018 và được nhiều hãng bảo hiểm cam kết thanh toán, mở đường cho ra đời nhiều công nghệ tương tự dùng cho nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2.
Công nghệ mới này cho phép “liên lạc” trực tiếp giữa thiết bị theo dõi glucose liên tục và bơm insulin để ổn định đường huyết.
Ngưng thở khi ngủ là rối loạn giấc ngủ phổ biến, tác động đến 21 triệu người Mỹ và là thủ phạm làm tăng bệnh huyết áp cao, tim mạch và đột quỵ. Trong khi thiết bị có tên Máy áp lực dương liên tục (CPAP) là thiết bị “vàng” trong điều trị căn bệnh này nhưng lại có hơn 40% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ từ chối sử dụng.
Để khắc phục, người ta đã cho ra đời nhiều phương pháp điều trị thay thế, trong đó có thiết bị cấy ghép, tạo kích thích để mở rộng đường khí thở chính trong khi đang ngủ. Nó được điều khiển bởi một thiết bị từ xa hay miếng dán mang trên người. Công nghệ hoạt động như máy điều hòa nhịp tim, giúp đồng bộ không khí vào nhờ hoạt động của lưỡi, cảm biến thở và đầu dẫn kích thích chạy bằng pin. Qua thử nghiệm lâm sàng, Neuromodulation hoạt động hiệu quả, giúp mang lại mang lại giấc ngủ ngon hơn.
Năm 2018, FDA sẽ phê duyệt liệu pháp gen mới điều trị bệnh võng mạc do di truyền. Việc cung cấp một gen mới cho các tế bào đích thông qua các “véctơ” virút sẽ cải thiện thị lực ở một số bệnh nhân mắc bệnh bệnh viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), bệnh mù lòa bẩm sinh LCA (Leber congenital amaurosis). Đây là căn bệnh do các đột biến RPE65 vô căn, dạng bệnh di truyền hiếm gặp gây mất thị lực. Cho tới thời điểm hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào được FDA chấp thuận. Tuy nhiên, liệu pháp gen mới nói trên sẽ cung cấp một bản sao gen mới hoạt động “bình thường” cho một protein chức năng. Các nhà nghiên cứu đưa gen này vào bên trong một virút đã được biến đổi, và nhờ “véctơ” nói trên đã đưa gen mục tiêu vào đúng tế bào võng mạc. Năm 2017, FDA đã phê duyệt liệu pháp gien RPE65, động thái mở ra những triển vọng mới về liệu pháp gen để điều trị các loại bệnh di truyền hiếm gặp trong tương lai.
Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL), hay cholesterol xấu, tạo ra các cặn mỡ gây tắc nghẽn động mạch, thủ phạm gia tăng bệnh tim mạch là căn bệnh được y học cảnh báo, còn dân dã quen gọi là bệnh mỡ máu cao. Dự kiến năm 2018 sẽ có một loại thuốc mới có thể giảm lượng cholesterol LDL tới 75% có tên chất ức chế PCSK9 (PCSK9 inhibitors). Các nghiên cứu mới cho thấy việc giảm cholesterol LDL tới ngưỡng mục tiêu có thể giảm tới 20% nguy cơ tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột qụy ở bệnh nhân dùng statin kết hợp với PCSK9. Theo thống kê, tại Mỹ hiện có hơn 400.000 người chết vì bệnh mạch vành hàng năm và 102 triệu người khác phải sống chung với bệnh cholesterol cao, nhưng nếu thuốc PCSK9 được đưa vào sử dụng sẽ giảm được đáng kể tử vong nói trên.
Loại bỏ các rào cản địa lý để chăm sóc sức khỏe sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí và rất nhiều lợi ích khác cả cho ngành y lẫn cho người bệnh. Công nghệ y tế từ xa hay telehealth sẽ trở nên sôi động từ năm 2018 nhờ công nghệ di động và nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt hữu ích cho nhóm người khuyết tật về thể chất và nhóm bệnh viêm nhiễm.
Theo báo cáo, có tới 90% số giám đốc trong lĩnh vực y học ủng hộ xu hướng này và đang bắt tay vào ứng dụng công nghệ telehealth. Dự kiến sẽ có khoảng 7 triệu bệnh nhân Mỹ là khách hàng của công nghệ nói trên vào năm 2018, tăng 19 lần so với năm 2013. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân hiện đang được trang bị các thiết bị mang trên người để ghi lại các thông tin y tế cung cấp cho bác sĩ, và đến năm 2018 sẽ có hơn 19 triệu bệnh nhân sẽ sử dụng các thiết bị theo dõi từ xa tại Mỹ.
Phát triển vắcxin mới ước tính hết khoảng 200 triệu USD với thời gian ít nhất một thập kỷ. Với sự bùng phát các loại bệnh mới như Ebola và Zika thì việc phát triển các loại vắcxin mới là thực sự cần thiết và phải được đẩy nhanh tiến độ.
Năm 2018, các nhà khoa học sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng vắcxin để rút ngắn tiến độ phát triển vắcxin mới. Ví dụ, đổi mới cách hoàn thiện vắcxin làm khô tự nhiên để vận chuyển nhanh đến các địa điểm xa hơn. Đặc biệt, các nhà khoa học còn tìm kiếm cách để phát triển vắcxin cúm nhanh hơn thông qua phương án sử dụng cây thuốc lá, côn trùng và hạt nano. Các loại vắcxin tiêm, uống, vắcxin dạng chíp... cũng đang được phát triển gấp rút. Dự kiến, năm 2018, một vắcxin cúm mới sẽ được đưa vào thương phẩm. Ngoài ra, các phương pháp vận chuyển, bảo quản, tiêm chủng mới cũng sẽ được cải tiến đồng bộ để sớm dập tắt bệnh dịch mới nổi như Ebola và Zika xuất hiện gần đây.
Năm 2018, các liệu pháp trị ung thư vú theo mục tiêu sẽ được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Đây là căn bệnh cướp đi hơn 40.000 phụ nữ mỗi năm tại Mỹ. Các liệu pháp này rất đa dạng như dùng chất ức chế PARP cho bệnh nhân đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 và các chất ức chế CDK 4/6 mới cho ung thư vú ER-dương tính/ HER-2- âm tính, các phương pháp điều trị này cho thấy đạt kết quả tích cực trong các thử nghiệm lâm sàng thực hiện gần đây.
Các liệu pháp trị ung thư vú theo mục tiêu sẽ được đưa vào ứng dụng rộng rãi
Ngoài ra, các tác nhân nhắm vào đột biến theo mục tiêu HER-2 cũng cho thấy có lợi cho một nhóm nhỏ các bệnh nhân mang đột biến HER-2 dương tính. Giới chuyên gia tin rằng các liệu pháp này sẽ tăng tỉ lệ sống sót đáng cho người bệnh đồng thời có thể hạn chế hay loại bỏ hóa trị liệu, thủ thuật truyền thống để lại nhiều phản ứng phụ bất lợi cho người bệnh.
Trong nhiều thập kỷ, quy trình trước và sau phẫu thuật đã được thiết lập theo một khuôn mẫu như không ăn uống trước phẫu thuật, dùng thuốc giảm đau để an ủi; và nằm yên tĩnh trên giường để hồi phục. Tuy nhiên, do sự gia tăng việc tái nhập viện và việc dùng thuốc dạng opioid nên gần đây y học đã cải tiến, chú trọng tới việc phục hồi tăng cường sau phẫu thuật. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phục hồi tăng cường sau phẫu thuật hay ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) cho phép bệnh nhân ăn trước khi mổ, hạn chế opioid bằng cách kê toa thuốc thay thế, và khuyến khích đi bộ thường xuyên làm giảm tỉ lệ biến chứng và tăng tốc độ hồi phục. Ngoài ra ERAS còn có thể làm giảm cục máu đông, buồn nôn, nhiễm trùng, teo cơ, nằm viện và nhiều lợi ích hữu hình lẫn vô hình khác. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo áp dụng kế hoạch dinh dưỡng sau mổ để đẩy nhanh sự hồi phục, còn các bác sĩ thì sử dụng giảm đau cấp khi mổ, hạn chế việc sử dụng thuốc mê. Dự kiến, năm 2018, ERAS sẽ được áp dụng rộng hơn trong phẫu thuật và các hệ thống chăm sóc sức khoẻ để hạn chế chi phí, thời gian nằm viện cho người bệnh.
Từ lâu, các bệnh viện đã phải vật lộn với tình trạng quá tải, còn đội ngũ nhân viên y tế thì quá mệt mỏi, nhất là chăm sóc nhóm bệnh nhân tim mạch, nên đã có không ít sự cố xảy ra. Theo Hiệp hội Tim nạch Mỹ (AHA) có tới 44% số ca ngừng tim không được phát hiện kịp thời, cứ 4 bệnh nhân tim thì có gần 1 ca sống sót sau khi ngừng tim khi nhập viện.
Để khắc phục, các nhà khoa học đã tìm ra phương án mới, theo dõi tập trung bệnh nhân nằm viện. Nhân viên ngoại tuyến sẽ sử dụng thiết bị tiên tiến, bao gồm cảm biến và máy ảnh độ nét cao để theo dõi huyết áp, nhịp tim, hô hấp, đo xung oxy và nhiều thông số khác. Dữ liệu phức tạp được đồng hóa để kích hoạt sự can thiệp tại chỗ khi thích hợp nên loại bỏ được những số liệu nhiễu không quan trọng. Theo nghiên cứu thực hiện năm 2016 cho thấy tỉ lệ sống sót của nhóm mắc cơn đau tim đạt trên 93% khi được giám sát tập trung, nhờ có những cảnh báo sớm, chính xác với độ tin cậy cao.
Công nghệ “làm mát da đầu” (scalp cooling) để giảm nhiệt độ da đầu ngay trước, trong và sau hóa trị liệu đã được chứng minh rất hiệu quả trong việc bảo quản tóc cho nhóm phụ nữ phải qua hóa trị liệu khi bị ung thư vú. Hệ thống làm mát da đầu nói trên, gồm thiết bị DigniCap và hệ thống Paxman Scalp Cooling System do các trường đại học Mỹ nghiên cứu phát triển đã được FDA chấp thuận vào tháng 5 năm 2017, sẽ được đưa ra áp dụng đại trà ngay trong năm 2018 này.
Theo http://pkductin.vn