Magical Difference

    Sự Khác Biệt Kỳ Diệu

hotline: 0903.69.41.69

Tin Tức

Triển lãm cơ thể người ở quốc tế: Bị chỉ trích phi đạo đức
Thứ bảy, 14:29 Ngày 07/07/2018 .

Triển lãm cơ thể người thật đã qua nhựa hóa từng được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Australia... Rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt, yêu cầu đóng cửa.

Triển lãm cơ thể người diễn ra ở nhiều quốc gia, từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, như Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Thậm chí, cùng một thời điểm, nước Đức có ba triển lãm ở ba thành phố khác nhau là Berlin, Heidelberg, Osnabrück.

Theo BBC, triển lãm cơ thể người được tổ chức lần đầu từ những năm 1990, thu hút hàng triệu người xem trên khắp thế giới. Nhà khoa học/ nhà giải phẫu học Gunther von Hagens là người đã phát minh ra công nghệ bảo tồn xác người plastination. 

Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh các triển lãm này. Đa số ý kiến thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của các xác người, nội tạng đã được nhựa hóa. Một số sự kiện trưng bày tại Pháp, Israel từng bị cấm sau khi công chúng phản đối gay gắt.

Một hình ảnh có thể khiến người xem "giật mình" tại triển lãm cơ thể người ở Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân.

Vi phạm quyền con người, phi đạo đức? 

Mới đây, khi triển lãm mở cửa tại Sydney, Australia vào cuối tháng 4, một nhóm gồm các nhà khoa học, luật sư, bác sĩ đã ký tên vào thư ngỏ yêu cầu đóng cửa. Họ nghi ngờ các vật mẫu là xác của tù nhân Trung Quốc, bao gồm cả tù chính trị.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi biết chính phủ Australia cấp phép cho triển lãm này, trong khi không có văn bản chứng minh nguồn gốc hợp pháp của những cơ thể người đó đến từ đâu" - trích nội dung bức thư.

Giáo sư Vaughan Macefield, đến từ Đại học Western Sydney, một trong những người ký tên phản đối, bày tỏ lo ngại rằng những mẫu vật không có nguồn gốc rõ ràng. Theo ông, những cơ thể hiến tặng từ các trường y khoa thường là của người già, trong khi đó những xác người được trưng bày dường như là người trẻ.

Các mẫu vật tại triển lãm ở Australia. Ảnh: EPA.

Trước làn sóng phản đối gay gắt, ông Tom Zaller, đại diện ban tổ chức triển lãm, bác bỏ những thông tin tiêu cực, cho rằng đó là "hoàn toàn bịa đặt". Ông khẳng định những mẫu vật đã được nhựa hóa có xuất xứ từ Đại học Y Đại Liên (Trung Quốc).

"Chúng tôi khẳng định 100% đây không phải cơ thể của tù nhân hay cái gì khác tương tự như vậy. Chúng tôi không khuyến khích chuyện nhặt xác của ai đó ngoài đường. Tất cả đều được thực hiện đúng tiến trình, hợp pháp và có tính giáo dục".

Cũng theo ông Zaller, triển lãm cơ thể người thật là sự pha trộn giữa nghệ thuật, khoa học và cảm xúc.

Ông Rohan Long, quản lý bảo tàng giải phẫu tại Đại học Melbourne, cho biết ở Australia, việc sử dụng tử thi không rõ danh tính là bất hợp pháp: "Những người muốn hiến tạng cho khoa học đều phải làm thủ tục trước khi qua đời, phải có xác nhận rõ ràng và chi tiết".

Tại Slovakia, triển lãm được tổ chức lần đầu vào năm 2012 và tiếp đến là năm 2017, bất chấp làn sóng chỉ trích, phản đối từ nhiều nhóm khác nhau. Hiệp hội các bác sĩ ở Slovakia và Cộng hòa Czech đều bày tỏ thái độ giận dữ. Viện Đạo đức y học Slovakia đã gửi đi một văn bản, khẳng định triển lãm cơ thể người là vi phạm luật và yêu cầu chính quyền vào cuộc.

Theo Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (KDH), trưng bày xác người, nội tạng vì mục đích thương mại không chỉ phạm luật mà còn phi đạo đức, gây tổn hại sự thiêng liêng.

"Những mẫu vật tại triển lãm là cơ thể người thật. Trước đây, họ cũng từng sống, có gia đình và có câu chuyện cuộc đời riêng. Chúng ta không biết họ là ai và liệu họ có muốn trưng bày cơ thể mình công khai như vậy" - Stano Župa, phát ngôn của KDH, nêu quan điểm.

Một tổ chức khác cũng cho rằng triển lãm cơ thể người thật vi phạm quyền con người cơ bản, đi chệch chuẩn mực đạo đức và cần phải bị cấm.

"Với công nghệ hiện đại, kỹ thuật in 3D thời nay, chúng ta hoàn toàn có thể có những hình ảnh chân thực và chi tiết về cơ thể con người, thay vì lạm dụng thi thể người đã chết. Những triển lãm tương tự như thế này đã bị cấm ở Pháp, Israel và nhiều bang của Mỹ" - Stano nói.

Người Nhật thích thú với triển lãm

Một bài báo đăng tải trên trang Japantimes về triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" năm 2004 tại Tokyo International Forum thuộc khu Chiyoda, cho thấy người Nhật rất quan tâm đến sự kiện này.

Triển lãm trung bày 16 cơ thể đã mổ xẻ, 160 bộ phận cơ thể, bao gồm tim, não và hệ thống tiêu hóa và 7 phôi thai. Được nhiều tổ chức hỗ trợ, trong đó có Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, sự kiện được cho là nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về cơ thể người và sức khỏe nói chung. Khách tham quan thậm chí còn được phép chạm vào một số mẫu vật.

Theo Japantimes, trái với phương Tây, hầu hết người Nhật không tỏ ra lo lắng về vấn đề đạo đức hay làm tổn hại sự linh thiêng. Đa phần khách đến triển lãm là phụ nữ và họ cười khúc khích trong quá trình khám phá.

Người Nhật xem triển lãm tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Getty. 

"Rất mềm mại... nhưng không có chút thịt nào!",Yumi Katagiri, một khách tham quan 24 tuổi nói khi cô thọc ngón tay vào bụng một mẫu vật. Còn cô gái 23 tuổi Chifumi Magoshi cho biết: "Tôi thực sự rất tò mò, không muốn bỏ lỡ triển lãm này".

Masaharu Igarashi, người phát ngôn của phía nhà tổ chức, cho rằng triển lãm cơ thể người thật cực kỳ thành công tại đất nước mặt trời mọc.

"Sau khi được trưng bày ở Osaka vào tháng 3/2002, triển lãm đã đi qua nhiều thành phố khác gồm Hiroshima, Fukuoka và Nagoya trước khi đến Tokyo. Đến tháng 11, triển lãm đã thu hút 1,37 triệu khách tham quan, trong đó gần 70% là phụ nữ".

Ông Biten Yasumoto, giáo sư tâm lý thuộc Đại học Sanno, lý giải phụ nữ đến triển lãm nhiều hơn nam giới bởi vì họ ý thức hơn về cơ thể của mình và họ là những người thực hiện thiên chức làm mẹ.

"Trong bối cảnh mọi thứ đều được giải thích rõ ràng, hiện chỉ còn ba điều bí ẩn, gồm vũ trụ, thế giới nguyên tử và sự phức tạp trong cơ thể con người. Triển lãm này đưa mọi người tới gần hơn với điều bí ẩn thứ 3", giáo sư Yasumoto nói.

Thực tế, triển lãm cơ thể người được tổ chức tại Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1995, kéo dài đến năm 1999 và đi qua 8 thành phố, từng được coi là triển lãm quy mô lớn nhất trên thế giới. Lúc đó, triển lãm sử dụng những cơ thể người đã qua bàn tay xử lý của nhà giải phẫu học Gunther von Hagens, người phát minh ra kỹ thuật plastination. 

Theo https://news.zing.vn

TOP
Chat Messenger Chat Zalo